Thuốc Đông y thường được bào chế dưới 5 dạng chính sau: CAO, ĐƠN, HOÀN, TÁN, THANG. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến cách bảo quản, cách sắc và uống dạng thuốc thang.
Thuốc thang
Thuốc thang là hỗn hợp các vị thuốc, cho vào siêu, đổ nước, sắc, lược bỏ xác, lấy nước thuốc uống gọi là thuốc thang ( Thang: Nước nóng ). Thuốc thang thường ứng dụng rất rộng trong các dạng thuốc, vì nó dùng được liều cao, hấp thụ dễ dàng, hiệu quả nhanh chóng, mà lại còn gia giảm được linh hoạt, rất phù hợp với bịnh tình phức tạp, nhất là trong giai đoạn tấn công.
Cách bảo quản thuốc Đông y
Thuốc sắc đông y hầu hết đều đã qua sơ chế như sao, tẩm, phơi, sấy. Do đó người dùng nên:
Bảo quản thuốc ở những nơi:
- Cao, khô ráo
- Thoáng mát
- Sạch sẽ
Tránh để thuốc ở những nơi:
- Ẩm thấp
- Để thuốc trong tủ lạnh
- Hay để thuốc chung với các gia vị khác
Cách sắc thuốc đông y:
Thuốc có công hiệu hay không một phần là do cách sắc thuốc.
Ấm sắc thuốc:
- Nên dùng ấm bằng đất nung hoặc bằng sứ
- Không nên dùng ấm bằng kim loại kể cả nhôm để sắc thuốc bởi vì trong các vị thuốc có rất nhiều các hoạt chất hữu cơ dễ bị kim loại phân hủy đặc biệt là tanin, sẽ làm biến đổi các hoạt chất của thuốc, đôi khi còn có thể gây độc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thuốc.
Nước sắc thuốc:
- Nước dùng để sắc thuốc phải được lấy từ nguồn nước sạch như nước mưa, nước giếng, nước máy
- Lượng nước nhiều hay ít phụ thuộc vào hàm lượng của cả thang thuốc.
- Thông thường đổ ngập nước khoảng 2 đốt ngón tay ở lần sắc thuốc đầu tiên và lần sắc thuốc thứ 2 cho ít nước hơn lần đầu một chút bởi thuốc sắc lần đầu có nhiều hoạt chất hơn.
Cách sắc thuốc:
- Trước khi sắc thuốc, nên ngâm thuốc vào nước ấm hoặc nước lã sạch 15-30 phút, để tạo điều kiện cho các hoạt chất tách ra được dễ dàng và rút ngắn được thời gian sắc thuốc.
- Sắc lửa nhỏ thời gian khoảng 3 – 4 tiếng
Cách uống thuốc đông y:
Uống thuốc vào thời điểm nào, ngày nên chia làm mấy lần uống, trong quá trình dùng thuốc cần kiêng gì cũng ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của thuốc. Do đó khi uống thuốc Đông y cần lưu ý một số điểm như sau:
Thời gian uống:
- Nên trộn đều các lần sắc với nhau và chia đều uống trong 1 ngày, uống khi thuốc còn ấm
- Khoảng thời gian giữa các lần uống thuốc tốt nhất là cách nhau trên 4 giờ (đối với 3 lần uống/ngày) và trên 8 giờ (với 2 lần uống/ngày).
- Thời gian uống thuốc tùy thuộc vào bạn điều trị bệnh gì
- Chữa bệnh các bệnh tim, phổi, nên uống thuốc sau khi ăn.
- Chữa bệnh ở gan, mật, dạ dày, bàng quang uống thuốc cách giờ ăn 1 -2h.
- Chữa bệnh ở kinh mạch, tứ chi uống thuốc vào lúc sáng sớm chưa ăn gì.
- Chữa bệnh ở xương tủy uống thuốc lúc ăn no vào buổi tối.
- Uống thuốc an thần nên uống trước khi đi ngủ.
- Uống thuốc để chữa các bệnh cấp tính chỉ nên uống thuốc khi cần.
- Thuốc bổ nên uống trước khi ăn.
- Thuốc chữa bệnh nên uống vào lúc đói.
Lưu ý khi uống:
Để nâng cao tác dụng và hiệu quả của thuốc, người bệnh nên tránh một số thực phẩm như:
- Đậu xanh, giá đỗ, rau cải xanh
- Những người tỳ vị hư hàn hoặc uống thuốc ôn thông kinh lạc, khử hàn trừ thấp, kiện tỳ hòa vị không nên ăn các thức ăn sống lạnh.
- Dùng thuốc thanh nhiệt lương huyết không được ăn các thức ăn cay nóng.
- Không nên ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ làm giảm quá trình hấp thu của thuốc