Túi mật: Cấu tạo, chức năng và bệnh lý thường gặp.

Túi mật là một cấu trúc rỗng hình quả lê nằm dưới gan và ở phía bên phải của bụng. Nó nối liền với gan và ruột bằng một số ống nhỏ. Chức năng chính của nó là lưu trữ và cô đặc mật, một loại enzym tiêu hóa màu vàng nâu do gan sản xuất sau đó theo ống mật chủ xuống tá tràng khi có thức ăn. Túi mật là một phần của đường mật.

Cấu tạo túi mật

Túi mật có chiều ngang khoảng từ 30 – 40mm còn chiều dài khoảng 80 – 100mm. Dung tích của nó thường nằm trong khoảng trên dưới 50ml ở người trưởng thành.

Cơ quan này có hình dạng giống như một quả lê, có phần đầu mở vào ống nang. Và nó thường được chia thành 3 phần là đáy, thân và cổ. Ống dẫn mật từ túi mật đến ống mật chủ có chiều dài khoảng 3 – 4 cm.

Đoạn đầu ống dẫn mật có chiều rộng khoảng 4 – 5mm nhưng càng về cuối càng hẹp lại chỉ còn khoảng 2,5mm. Trong lòng tại phần trên của ống dẫn mật sẽ có những van được gọi là van Heister. Chúng giúp cho ống dẫn mật không bị gấp lại và giúp dịch mật được lưu thông một cách dễ dàng.

Chức năng túi mật

Chức năng chính của túi mật đó là nơi dự trữ dịch mất được gan tổng hợp và bài tiết ra. Dịch mật là một chất có tính sền sệt, có vị đắng và màu vàng hơi xanh lục.

Dịch mật đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động tiêu hóa thức ăn. Muối mật có thể là muối natri hoặc kali của các acid mật liên hợp. Chúng có nguồn gốc từ cholesterol với taurin hoặc glycin.

Muối mật đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phân hủy các chất béo. Đồng thời thúc đẩy hoạt động của các men Lipase để phân hủy Lipid. Các hợp chất này còn có tác dụng giúp chất béo đã được tiêu hóa dễ dàng đi qua thành ruột.

Cũng tương tự như cơ chế đó, muối mật còn có công dụng vận chuyển một số loại vitamin tan trong dầu. Phải kể đến như vitamin A, D, E và K. Muối mật sẽ không tự tiêu mất đi mà sẽ được tái hấp thu sau khi sử dụng. Có khoảng 80 – 90% lượng muối mật đã qua sử dụng sẽ theo máu di chuyển về gan và kích thích cơ quan này sản sinh thêm dịch mật mới.

chuc nang tui mat
Túi mật là nơi dự trữ dịch mất được gan tổng hợp và bài tiết ra

Trong một ngày cứ khoảng 12 giờ đồng hồ là gan sẽ tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml. Tuy nhiên dung tích tối đa của túi mật chỉ dao động trong khoảng từ 30 – 60ml mà thôi.

Bên cạnh muối khoáng, muối mật thì trong dịch mật còn chứa cholesterol cùng với sắc tố mật. Khi cơ thể không tiêu thụ thức ăn và không diễn ra hoạt động tiêu hóa thì dịch mật sẽ di chuyển ngược về túi mật thông qua ống dẫn mật.

Thông thường, khi được dự trữ ở trong túi mật, dịch mật sẽ bị mất bớt nước, trở nên cô đặc hơn. Nếu có Lipid đi vào tá tràng thì túi mật sẽ bị kích thích. Từ đó bắt đầu hoạt động co bóp và tống dịch mật xuống tá tràng để làm nhiệm vụ tiêu hóa.

Các bệnh lý thường gặp về túi mật

Cũng giống như các cơ quan khác của cơ thể, túi mật có thể gặp các vấn đề bất thường do có nguyên nhân tác động. Nắm được thông tin về các bệnh lý liên quan tới túi mật sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phát hiện cũng như ngăn ngừa:

Sỏi mật

Sỏi mật chính là những cặn nhỏ, cứng hình thành ngay bên trong túi mật. Sỏi mật gồm nước muối mật, sắc tố mật , canxi,.. chúng cô đặc dần và thành sỏi. Đây là sỏi tổng hợp, hay gặp và có thể phát hiện khi chụp Xquang.

Ngoài sỏi mật tổng hợp còn có nhiều loại sỏi khác như:

Sỏi cholesterol – cấu tạo chủ yếu bằng cholesterol, là một thành phần chuyển hóa của gan, là một thành phần của mỡ máu. Loại sỏi này có màu vàng sẫm, không cản quang, hình thành khi có sự rối loạn về nồng độ cholesterol, acid mật và lecithin.

Sỏi sắc tố mật thường có 2 loại đen và nâu.

Sỏi sắc tố đen hình dạng không đều, được hình thành khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng, thường đi kèm với xơ gan

Sỏi sắc tố nâu là hậu quả của giun chui ống mật và nhiễm khuẩn đường mật

Sỏi muối mật thường kết hợp với sỏi canxi

Thực tế cho thấy rằng, nhiều người bị sỏi mật nhưng lại không hề hay biết về sự hiện diện của căn bệnh này trong cơ thể. Chỉ phát hiện khi chúng bắt đầu gây ra vấn đề. Thường là viêm, nhiễm trùng và đau. Sỏi mật cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây viêm túi mật phổ biến.

Sỏi mật thường rất nhỏ và không rộng quá vài mm. Tuy nhiên nếu không sớm phát hiện và can thiệp thì chúng có thể phát triển lên tới vài ba cm. Sỏi mật khi đã phát triển kích thước thì chúng có thể bắt đầu gây tắc nghẽn đường ống dẫn mật.

tui mat2
Sỏi trong túi mật

Viêm túi mật

Viêm túi mật là thuật ngữ đề cập đến tình trạng nhiễm trùng diễn ra ngay tại túi mật. Tình trạng này diễn ra một cách đột ngột gọi là viêm túi mật cấp tính. Tình trạng viêm kéo dài dai dẳng hay tái phát nhiều lần thì là dạng viêm túi mật mãn tính.

Đa phần các trường hợp bị viêm là do sỏi bị kẹt ở cổ túi mật tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào vị trí tổn thương và gây viêm. Còn một số trường hợp do viêm khác thì có thể là nhiễm trùng E.coli ở phụ nữ mang thai, nhiễm trùng huyết, bệnh thương hàn, chấn thương, hẹp cơ vòng oddi, nhú vater…

Một số triệu chứng của viêm túi mật mạn tính:

  • Triệu chứng không nặng nhưng dai dẳng không hết
  • Đau âm ỉ, ấn đau vùng hạ sườn phải
  • Đau có thể xuyên lên vai phải hoặc đau lan ra sau lưng
  • Bụng đầy chướng
  • Ợ hơi, ăn kém
  • Các triệu chứng nặng lên thường sau bữa ăn có nhiều dầu mỡ

Một số triệu chứng viêm túi mật cấp tính thường gặp bao gồm:

  • Đau hạ sườn bên phải dữ dội
  • Ấn đau điểm Murphy
  • Sốt, ớn lạnh
  • Đau có thể xuyên lên vai phải hoặc lan ra sau lưng
  • Cơn đau kéo dài vài giờ đến vài ngày, nặng lên từng cơn
  • Nôn,buồn nôn
  • Da vàng
  • Đại tiện táo, tiểu vàng sẫm
    Viêm túi mật cấp tính nếu không được phát hiện và xử lý có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, túi mật có thể bị thủng, không cấp cứu kịp thời có thể gây ra tử vong.

Áp xe túi mật

Số liệu thống kê cho thấy, một tỉ lệ nhỏ những người bị sỏi mật gây viêm nhiễm mà có thể phát triển mủ ở bên trong túi mật. Tình trạng này còn được gọi là empyema.

Mủ chính là sự kết hợp giữa các tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn. Sự phát triển của mủ sẽ được gọi là áp xe. Các khối áp xe hình thành có thể khiến người bệnh bị đau bụng dữ dội.

Trường hợp áp xe không được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho tính mạng. Nhất là trong trường hợp nhiễm trùng lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể.

Polyp túi mật

Polyp túi mật chính là sự tăng trưởng của các mô bất thường bên trong túi mật. Những tăng trưởng này thường là lành tính và không phát triển thành ung thư.

Đối với những khối polyp nhỏ thì có thể để theo dõi. Vì trong hầu hết các trường hợp, chúng không gây nguy hiểm cho túi mật nói riêng và sức khỏe nói chung.

Trong trường hợp polyp túi mật phát triển lớn thì cần cân nhắc việc thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt. Để lâu chúng có thể gây ra các vấn đề khác và trong một số ít trường hợp vẫn có nguy cơ phát triển thành ung thư.

Túi mật là một trong những cơ quan quan trọng của hệ tiêu hóa, là nơi dự trữ dịch mật do gan tiết ra để phục vụ cho quá trình tiêu hóa các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất béo. Những bất thường ở túi mật sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn. Do đó cần duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên theo dõi những bất thường của cơ thể để thăm khám nhằm phát hiện kịp thời những bệnh lý về túi mật.

Chia sẻ bài viết:
- Tư vấn Polyp Túi Mật

Chuyên trang Tư vấn polyp túi mật là nơi cung cấp thông tin, kiến thức về polyp túi mật một cách toàn diện và chính xác. Với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, chuyên trang mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị polyp túi mật.

5 2 phiếu bầu
Xếp hạng bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận