Chi tử là quả dành dành, còn gọi là sơn chi, là quả chín của cây dành dành. Chi tử dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh.
Mô tả vị thuốc:
Tên khoa học:
Chi tử có tên khoa học là Fructus Gardeniae Jasminoidis, thuộc họ Cà phê
Nơi phân bố:
Chi tử mọc hoang dại và được trồng nhiều tại vùng núi phía Bắc nước ta như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai,…
Bộ phận dùng:
Quả chín của cây dành dành
Thu hái và chế biến:
Chi tử được thu hái vào tháng 9 – 11, lúc quả chín chuyển màu vàng đỏ. Sau đó ngắt bỏ cuống quả và loại tạp chất, rửa sạch rồi đồ hoặc luộc đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra bỏ vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng tiến hành phức chế sao vàng hoặc sao đen tùy vào mục đích trị bệnh.
Tính vị – Quy kinh:
Chi tử có vị đắng, tính hàn. Quy kinh Tâm, Phế, Vị, Tam tiêu
Thành phần hóa học:
Thành phần của Chi tử bao gồm: Garden, crocin, crocetin D-manni-tol, sitosterol, gardenoside, geniposide, genipin-l-beta-D-gentiobioside, shanzhiside
Tác dụng dược lý:
Công năng:
Chi tử có công năng Tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc
Chủ trị:
Chi tử chủ trị các chứng tâm phiền, sốt cao bứt rứt, thấp nhiệt vàng da, tiểu tiện ít đỏ, nhiệt lâm, huyết lâm, huyết nhiệt xuất huyết, ung thũng sang độc, đắp ngoài trị chấn thương phần mềm
Kết quả nghiên cứu dược lý:
- Vị thuốc có tác dụng lợi mật: Quả dành dành có tác dụng làm tăng tiết mật, ức chế không cho bilirubin trong máu tăng cao, tăng co bóp túi mật
- Giải nhiệt: ức chế trung khu sản sinh nhiệt
- Chi tử sao cháy có tác dụng cầm máu
- Kháng khuẩn: ức chế trực khuẩn lỵ, tụ cầu vàng,..
- Thuốc có tác dụng chữa mất ngủ trong các bệnh viêm nhiễm do sốt cao làm não xung huyết và hưng phấn thần kinh
- Ngoài ra thuốc còn có tác dụng hạ huyết áp
Ứng dụng lâm sàng: Chi tử trong điều trị polyp túi mật
Chi tử là vị thuốc không thể thiếu trong các bài thuốc điều trị các bệnh lý về gan – mật như viêm gan virus, viêm gan mạn tính, polyp túi mật,…
Quả dành dành với tác dụng lợi mật đã làm cải thiện chức năng gan – mật, giúp gan tăng tiết mật, dẫn đến túi mật tăng co bóp, hạn chế dịch mật và cholesterol lắng đọng, giảm nguy cơ hình thành polyp túi mật cũng như ngăn polyp phát triển. Ngoài ra còn ức chế không cho bilirubin trong máu tăng cao
Cách dùng Chi tử
Dùng khô :
- Cách dùng: sắc uống
- Liều dùng: 8 – 20g
Một số bài thuốc từ Chi tử khô:
Bài 1: Viêm gan do virus
Nhân trần 20g, Chi tử 16g, Đại hoàng 8g sắc uống nước. Gia giảm thêm tùy vào tình trạng bệnh lý
Bài 2: Trị các chứng huyết nhiệt sinh chảy máu như ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu ra máu,..
Chi tử 16g, Hoàng cầm 12g, Bạch mao căn 20g, Tri mẫu 12g, Cát cánh 8g, Cam thảo 4g, Trắc bá diệp 12g, Xích thược 12g sắc nước uống
Dùng tươi:
- Cách dùng: Bôi, đắp
- Liều dùng: 8- 20g
Một số bài thuốc từ Chi tử tươi
Bài 1: Trị chấn thương bong gân:
Dùng Chi tử sống tán bột trộn với bột mì, lòng trắng trứng gà trộn đều đắp vùng bị thương
Bài 2: Trị trĩ nóng đau:
Chi tử tán bột, đốt cháy đen, trộn cùng vaseline bôi vào có tác dụng giảm đau
Những lưu ý khi dùng Chi tử
Đối tượng có thể dùng:
- Người mắc các bệnh lý về gan – mật
- Chảy máu do nhiệt
- Sốt cao gây hưng phấn thần kinh
Đối tượng không nên dùng:
- Phụ nữ có thai
- Người suy nhược
- Tỳ vị hư hàn, tiêu hóa kém , ỉa chảy không nên dùng.
Lưu ý trong quá trình sử dụng:
Tác dụng phụ:
- Dị ứng thuốc
- Đi ngoài
- Đầy bụng
Lưu ý:
- Không dùng thuốc đã để qua đêm vì có thể gây đau bụng do các vi sinh vật lên men gây ra.
- Trong quá trình sử dụng thấy đi ngoài nhiều lần/ngày thì tạm dừng thuốc
Lời khuyên:
Chi tử được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh. Tuy nhiên chi tử là vị thuốc có tính hàn, có tác dụng tả hỏa mạnh ở tâm, phế và tam tiêu do đó nếu không mắc các chứng bệnh do nhiệt sinh ra tuyệt đối không dùng.
Người bệnh nên đến các phòng khám hay cơ sở điều trị đông y uy tín để được tư vấn trước khi sử dụng